Chi tiết bài viết - Xã Gio Sơn - Gio Linh
Tuyên truyền nội dung về CCHC trên địa bàn xã Gio Sơn
- UBND Xã Gio Sơn
- 22/05/2024
- 47 lượt xem
Tuyên truyền nội dung về CCHC trên địa bàn xã Gio Sơn
Bài tuyên truyền về cải cách hành chính xã Gio Sơn
Cải cách Hành chính ở Việt Nam đã trải qua các giai đoạn trải nghiệm và bước đầu đạt được những thành tựu nhất định. Chương trình Tổng thể Cải cách Hành chính công ở Việt Nam đã xác định rõ 6 lĩnh vực cải cách là cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cán bộ KCT ở xã; Cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính; đồng thời định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách và xác định các giải pháp thực hiện nhằm bảo đảm thắng lợi công cuộc cải cách.
Trong giai đoạn I (2011-2020), Chính phủ Việt Nam tập trung vào tạo dựng cơ sở cho cải cách hệ thống hành chính công như xây dựng cơ chế một cửa một dấu và phân cấp trao quyền cho cơ sở.
Trong giai đoạn II (2021-2030), CCHC tiến thêm một bước khẳng định sự phân cấp nhưng cũng nhấn mạnh dân chủ cơ sở và sự tham gia thực sự của người dân nhằm mục đích xây dựng một cơ chế hiệu quả, công khai, có trách nhiệm giải trình trong quản trị nhà nước ở địa phương. Mặc dù được tiến hành cách đây hàng chục năm, nhưng cho đến nay không nhiều người dân, thậm chí cả cán bộ công chức nhà nước hiểu rõ về công cuộc cải cách hành chính. Có lẽ đây cũng là một lý do khiến cho công cuộc cải cách hành chính tuy được triển khai từ lâu nhưng còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Một phần cũng do công tác tuyên truyền còn hạn chế, khiến cho người dân hiểu cải cách hành chính đơn thuần chỉ là “giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà” và “chống tham nhũng”. Với mục tiêu cung cấp cho độc giả những hiểu biết cơ bản và những quan điểm, góc nhìn khác nhau về công cuộc cải cách hành chính đang được tiến hành ở Việt Nam nói chung và xã Gio Sơn nói riêng chúng tôi cung cấp cho độc giả những thông tin cơ bản để hiểu về cải cách hành chính.
Cải cách hành chính là gì? CCHC là tạo ra những thay đổi trong các yếu tố cấu thành của nền hành chính nhằm làm cho các cơ quan hành chính nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội tốt hơn.
Chương trình CCHC nhà nước đã xác định các mục tiêu bao gồm:
- Về Cải cách thể chế, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính nhà nước, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực; nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ; tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội.
- Về Cải cách thủ tục hành chính, cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.
- Về Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, định rõ việc của cơ quan hành chính nhà nước; phân định rõ mô hình tổ chức chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo quy định. Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước; tăng cường rà soát, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động.
- Về Cải cách chế độ công vụ, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và điều động công chứcc để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước.
- Về Cải cách tài chính công, đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kiểm soát tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
- Về Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04/11/2021 của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1982/QĐ-UBND ngày 29/7/2022 của UBND tỉnh Chuyên về Ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 15-KH/ĐU ngày 18/02/2022 của Đảng ủy xã Gio Sơn về Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy; Chương trình hành động số 05-CTHĐ/HU, ngày 11/02/2022 của Huyện ủy Gio Linh về “ thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy khóa XVII “về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 21/7/2023 của HĐND huyện khoá VI về phê duyệt Đề án chuyển đổi số huyện Gio Linh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bám sát chủ đề năm 2024 “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hoá các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững” để xây dựng và điều hành đồng bộ, tổ chức triển khai quyết liệt, xác định rõ các nhiệm vụ theo hướng ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm. Huy động nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp để phát triển kinh tế số. Phát triển mạnh mẽ hạ tầng số, ứng dụng số, dữ liệu số đồng bộ, có tính liên thông, làm cơ sở cho sự phát triển thương mại điện tử, dịch vụ số thuận tiện.
Tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn xã.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn và cũng thông qua bài viết này, chúng tôi cũng mong muốn sẽ góp phần trong việc tuyền truyền phổ biến thông tin về công cuộc cải cách hành chính xã Gio Sơn, huyện Gio Linh đến đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn xã nói riêng và toàn thể quý vị quan tâm đến công tác CCHC nói chung./.